Mô hình: Tưới nhỏ giọt Thanh Long bằng năng lượng mặt trời

Đây là mô hình “kiểu mẫu” đầu tiên trong sản xuất trái thanh long ở Tiền Giang theo hướng an toàn, chất lượng và áp dụng công nghệ “sạch”, cho hiệu quả cao đang được tỉnh tập trung đầu tư và từng bước nhân rộng.

Đến ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, hỏi ai cũng biết ông Võ Ngọc Diệp - một nông dân đã áp dụng thành công mô hình “Vườn thành long kiểu mẫu”, trồng, chăm sóc đúng quy cách kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao.

“Mô hình trồng thanh long của ông Diệp được rất đông các đoàn khách trong, ngoài nước như: Mỹ, Australia, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia… đến tham quan học hỏi, đặc biệt là từ khi ông áp dụng công nghệ “sạch” bằng hệ thống tưới nhỏ giọt từ pin mặt trời”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết.

 


Là một nông dân sản xuất giỏi, siêng năng, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu trong việc sản xuất cây thanh long một loại cây rất thích hợp đối với vùng đất Chợ Gạo, Tiền Giang, ông Diệp được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật từ cách chọn giống, quy cách trồng, cách chăm sóc để trái thanh long cho năng suất cao, chất lượng tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Diệp cho biết, từ sự tận tình hỗ trợ của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng quy trình sản xuất trái thanh long “kiểu mẫu” trên một ha đất. Đó là trên một ha đất ruộng, ông bắt đầu lên liếp trồng thanh long theo quy cách chiều cao trụ bê tông từ mặt đất lên tới đỉnh là 1,2 mét, mỗi trụ cách nhau ba mét và mỗi liếp đều xẻ rãnh để phục vụ nước tưới.

Ưu điểm của cách trồng này là cây thanh long có bộ rễ ăn lan nên thích hợp với loại đất cao, cho nên phải đắp mô; đồng thời thanh long quang hợp mạnh nên khoảng cách cây trồng mỗi trụ cách nhau là 3 mét là thích hợp, vì nếu khoảng cách ngắn thì cây không đủ quang hợp cho năng suất kém, khoảng cách rộng hơn thì lãng phí đất…Theo đó, ông đầu tư hạ thế điện ba pha để phục vụ xông đèn kích thích trái thanh long ra hoa.

Với cách trồng này và bón phân hữu cơ, sau hai năm cây thanh long cho trái và năm thư tư trở lên thì cây cho năng suất cao. Vườn thanh long “kiểu mẫu” của ông Diệp đến nay đã trên 5 năm tuổi, hiện một năm cho ba đợt trái, bình quân đạt 30 tấn/ha. Nếu tính giá bình quân 10 nghìn đồng/kg thì một ha của ông Diệp cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Ông Diệp cho biết: nếu áp dụng quy trình “kiểu mẫu” thì từ một ha đất ruộng đầu tư trồng thanh long, kinh phí bỏ ra từ 250 đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hai năm là hoàn toàn lấy lại vốn và từ năm thứ ba, thứ tư trở lên cây cho năng suất cao, trong khi đó tiền đầu tư chăm sóc các năm tiếp theo lại rất ít nên lợi nhuận sẽ tăng cao. Cụ thể, gần hai năm nay từ khi ông Diệp áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời của Australia vườn thanh long của ông tiếp tục cho năng suất rất cao, trong khi đó tiết kiệm được nước tưới, ngày công, tiền điện… bình quân ba triệu đồng/tháng, nên thu nhập của ông tăng lên gần 400 triệu đồng/năm/ha.

Ông Diệp nói: Việc áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời rất hiệu quả, đó là tiết kiệm năng lượng cung cấp cho máy bơm, người nông dân không phải tốn công tưới, vì sử dụng hệ thống các vòi bơm tự động và lắp cố định tại mỗi trụ thanh long, cây trồng luôn giữ được độ ẩm thích hợp sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn và từ đó tăng thu nhập vượt trội so với tưới thông thường.

Theo ông Diệp, từ việc đi tiên phong và áp dụng thành công quy trình “vườn thanh long kiểu mẫu” và được sự tín nhiệm của nông dân trong ấp, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, Lương Hòa Lạc đã được thành lập với 21 thành viên trên diện tích 10 ha trồng thanh long, do tôi làm chủ nhiệm. Hiện nay, các thành viên trong tổ đang từng bước áp dụng quy trình kỹ thuật này và sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP. Toàn xã, hiện có 50 ha thanh long, hy vọng với cách làm hiệu quả của mô hình trồng thanh long kiểu mẫu của tổ hợp tác, nông dân trồng thanh long ở xã sẽ gia nhập ngày càng đông, dễ quản lý, cho sản lượng tập trung trong việc hợp đồng xuất khẩu…

Trong bảy loại trái cây chủ lực của Tiền Giang đang được tập trung đầu từ phát triển là: khóm (dứa), vú sữa Lò Rèn, xơ ri, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông cổ cò… hiện nay, thanh long là loại cây trồng hiệu quả nhất cho năng suất cao nhất. Do đó, trong chương trình phát triển toàn diện cây thanh long Chợ Gạo tỉnh đang tập trung đầu tư sản xuất theo hướng bền vững, trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vườn thanh long “kiểu mẫu” của ông Võ Ngọc Diệp sản xuất theo quy trình phát triển toàn diện năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thì trường Hoa Kỳ là một thành công, tỉnh đang từng bước tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn huyện Chợ Gạo.

 

Theo Báo Tiền Giang
Mục: Chuyên Mục Tưới | Added by: Admin (26-02-2015)
Lượt xem: 5730 | Tags: tuoi thanh long, he thong tuoi thanh long, tuoi nho giot, nang luong mat troi | Đánh giá: 0.0/0

Bài viết liên quan Tin Tức: Chuyên Mục Tưới

Hỗ trợ

     

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

1
Bạn cần hỗ trợ?