Thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp năm 2015: Biến cơ hội thành vàng

Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng.

Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.

Nông nghiệp: Nàng công chúa “ngủ đông”


Trang trại thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngô Văn Tích (phường Phương Đông, TP.Uông Bí, Quảng Ninh) hiện có 1.500 gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nút thắt khiến nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua ảm đạm như vậy do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai chưa kể những rủi ro về thị trường.
Ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng việc thu hút FDI vào nông nghiệp đạt hiệu quả thấp còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn một cách rõ ràng nhằm xác định vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành; những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch...

Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Trong điều kiện sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, phân tán hiện nay, việc tập trung một vùng đất đai rộng lớn cho một chủ đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu tập trung là điều rất khó khăn và phức tạp. Do vậy, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào trồng trọt “hơi khó,” nên tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến vì hiện nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. Đồng thời, để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới, cần đầu tư hơn nữa cho công nghiệp chế biến.

TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã đưa ra nhận định: Đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Các tập đoàn lớn đã và đang rất quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam, bởi họ thấy được tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của nước ta. Nông nghiệp của chúng ta không được đầu tư mạnh nhưng nhiều sản phẩm của nông nghiệp vẫn vươn lên đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu. Ðây là lý do các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam. “Nếu chúng ta thay đổi chính sách đầu tư, khuyến khích và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với nông nghiệp Việt Nam”- TS Đặng Kim Sơn cho biết.

Thấp thoáng những lát cắt đẹp

Mặc dù vậy, năm 2014 vẫn có những điểm sáng, những niềm vui từ nông nghiệp, làm nên những hy vọng để năm 2015 tạo cơ sở cho nông nghiệp phát triển và thu hút được đầu tư nước ngoài.

Thực tế, năm 2014 đã chứng kiến sự đầu tư tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Lĩnh vực nông nghiệp đang trở nên hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Nhật. Và nhiều chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng đầu tư rất mạnh từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam. “Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp do có lợi thế rất lớn về các điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất nông nghiệp”- ông Nguyễn Trung Dũng- Tham tán công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.

Lý do, theo ông Dũng: Hiện lực lượng lao động nông nghiệp của Nhật Bản chỉ chiếm 3-4% dân số, nhưng đa số là người cao tuổi. Trước sức ép giảm thuế và nhu cầu lao động, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thực phẩm Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh cũng như tìm động lực phát triển mới. Và Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp do có lợi thế rất lớn về các điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, hai bên đang đàm phán để đưa trái táo của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam và ngược lại là trái xoài và thanh long ruột đỏ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất rau củ, nấm tại Việt Nam để xuất khẩu sang Nhật và các thị trường khác. Xu hướng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới khi các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (TPP) mà các ngành Việt Nam hưởng lợi như lúa gạo, nông sản... để có thể nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với lợi thế về giá.

Theo nghiên cứu được công bố, cứ 1USD chi cho xúc tiến đầu tư sẽ làm tăng luồng vốn FDI thêm 189USD. Khi xác định mục tiêu thực hiện xúc tiến đầu tư theo ngành, vốn FDI sẽ tăng 155% so với không xác định mục tiêu theo ngành.   Bộ NNPTNT đang xây dựng Dự thảo Ðề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, để lấy 
ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp.
Theo Hồ Hương- Báo Dân Việt
Mục: Tin Nông Nghiệp | Added by: Admin (26-02-2015)
Lượt xem: 2183 | Tags: nong nghiep viet, tuoi nong nghiep, he thong tuoi | Đánh giá: 0.0/0

Bài viết liên quan Tin Tức: Tin Nông Nghiệp

Hỗ trợ

     

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

1
Bạn cần hỗ trợ?